Dự án Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình có tổng chiều dài tuyến là 46km đi qua 16 xã thuộc 2 hai huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng, điểm đầu giao với Cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, điểm cuối tại Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, tỉnh Nam Định.
– Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư
– Tổng mức đầu tư của dự án là: 5.326,5 tỷ đồng
– Sử dụng Nguồn vốn: Ngân sách Nhà nước (Ngân sách tỉnh: 2.626,5 tỷ đồng, Ngân sách Trung ương: 2.700 tỷ đồng)
Dự án được chia thành 2 giai đoạn:
– Giai đoạn 1: Xây dựng đoạn từ nút giao Cao Bồ (thuộc cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình) đến Tỉnh lộ 490C với thiết kế 2 làn xe cơ giới; Đoạn từ Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông đến Cầu Thịnh Long với quy mô 4 làn xe cơ giới (Giai đoạn 1 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 12/2021).
– Giai đoạn 2: Được khởi công từ ngày 25-4-2022, bao gồm các hạng mục: Xây dựng cầu Đống Cao nối Ý Yên với Nghĩa Hưng; Nâng cấp, mở rộng đoạn đi trùng với tỉnh lộ 490C, mở rộng thêm 2 làn xe cơ giới cho các đoạn đã đầu tư trong giai đoạn I.
Dự án Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình sau hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Nam Định, đồng thời mở ra không gian phát triển về đô thị, công nghiệp; đặc biệt là vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định, kết nối với tuyến giao thông huyết mạch quốc gia cao tốc Bắc Nam. Tuyến đường của dự án còn kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị trong khu vực và các tuyến đường huyết mạch trên địa bàn tỉnh Nam Định bao gồm: Các đường Quốc lộ 10, 37B, 37C, 21B, các tuyến đường tỉnh 490C, 488C và tuyến đường bộ ven biển.
Dự án hoàn thành sẽ tạo tiền đề thúc đẩy việc khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, thu hút đầu tư, tạo việc làm và phát triển du lịch, phát huy lợi thế của vùng đất giàu tiềm năng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nam Định
Phát triển hệ thống giao thông không chỉ là chủ trương đúng đắn, kịp thời mà còn tạo luồng gió mới, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí giao thông hiện đại, là giải pháp hiệu quả để tỉnh Nam Định phát triển theo hướng hiện đại, thuận lợi, an toàn; tạo sự kết nối vùng nhanh và bền vững, đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân; đồng thời tạo tiền đề tăng trưởng kinh tế, thu hút các nhà đầu tư.
Bùi Việt Hùng – Tổng hợp và biên tập