NHẠC SĨ QUÊ NAM ĐỊNH
VĂN KÝ
Nhạc sĩ Văn Ký tên thật là Vũ Văn Ký (1928-2020) quê ở Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định.
Văn Ký tham gia cách mạng từ năm 1943, khi mới 15 tuổi. Năm 1944, ông bị Pháp bắt rồi sau đó được chính quyền Nhật thả ra. Năm 1945, ông cùng dân quân huyện Nông Cống tham gia giành chính quyền. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1946.
*
Từ một Huyện đội trưởng dân quân ngày đầu Kháng chiến chống Pháp, ông đã tham gia hoạt động âm nhạc ở vùng Khu IV cũ, với những sáng tác đầu tay: Trăng xưa (1946), Bình Trị Thiên quật khởi, Tình hậu phương, Chiến thắng Hòa Bình (Giải nhất Chi hội Văn nghệ Liên khu IV), nhạc cảnh Dân công lên đường, Lúa thoái tô…, ông chuyển sang công tác văn nghệ ở Đoàn Văn công Khu IV. Ông đã dự nhiều lớp học do chuyên gia nước ngoài hướng dẫn, rồi đi thực tập ở Liên Xô.
Ca khúc của ông đề tài rất phong phú, mang đến cho người nghe những rung cảm mạnh mẽ, sâu sắc nhưng đầy chất trữ tình trong sáng như: Bài ca hy vọng, Tây Nguyên bất khuất (Giải Nhất Hội Nhạc sĩ Việt Nam 1960), Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi (Giải thưởng của Bộ Giáo dục), Nha Trang mùa thu lại về (Giải A tỉnh Khánh Hòa), Hà Nội mùa xuân, Trời Hà Nội xanh… Đó là những ca khúc có ấn tượng, khẳng định vị trí của ông trong giới sáng tác.
*
Trong lĩnh vực khí nhạc, ông còn viết nhiều thể loại như ca cảnh, nhạc múa, ca kịch Nhật ký sông Thương (1971), Đảo xa (1972), nhạc cho các bộ phim truyện Cô gái công trường, Trên vĩ tuyến 17, phim tài liệu Bác Hồ muôn vàn tình yêu, Tổ khúc thiếu nhi cho piano, biến tấu trên chủ đề Xe chỉ luồn kim cho cello và piano. Đặc biệt tổ khúc vũ kịch Kơ Nhí gồm 7 chương viết cho dàn nhạc giao hưởng, đã được biểu diễn nhiều lần ở Liên Xô và Đức, xuất bản ở Maxcơva năm 1989. Đã xuất bản Tập ca khúc Văn Ký và Băng nhạc Văn Ký, 1994.
Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật (2001).
*
“Bài ca hy vọng” là tên của một ca khúc do nhạc sĩ Văn Ký sáng tác năm 1958, lúc ông vừa tròn 30 tuổi, với trái tim trong sáng và giàu nhiệt huyết, gắn kết tình cảm giữa hai miền Nam – Bắc, mong muốn đất nước thống nhất, gieo lên hy vọng về một tương lai tươi đẹp trong lúc hai miền bị chia cắt và bom đạn chiến tranh. Đây là một sáng tác nổi tiếng nhất và cũng là nhạc phẩm được nhiều người ưa thích nhất trong số hơn 400 tác phẩm của ông. Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ xâm lược, tác phẩm này đã góp phần duy trì và khích lệ tinh thần nhiều cán bộ và chiến sĩ cách mạng.