NHÀ THƠ QUÊ NAM ĐỊNH
PHẠM CÔNG TRỨ
Phạm Công Trứ sinh năm 1953, quê ở Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định. Ông là PGS.TS Luật Học, Công tác tại báo Pháp Luật.
Trong cuộc đời sáng tác, nhà thơ Phạm Công Trứ đã xuất bản 5 tập thơ: Lời thề cỏ may phần I,II, III từ năm 1990 đến 1996; cuốn Cỏ may thi tập của ông được xuất bản năm 2000. Và tập thơ Phồn thi (I) là tập thơ do Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn ấn hành.
Phạm Công Trứ là một luật sư, nhưng ông còn là một nhà thơ, nhà báo với cách viết rất hấp dẫn. Với ngôn từ sắc sảo, thơ của ông được viết hiện thực như kể chuyện.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết: “Giá không có Nguyễn Bính, có lẽ Phạm Công Trứ đã có một cái chiếu trải giữa làng văn rồi. Nhưng cái chiếu Trứ đang ngồi vào hiện nay, Nguyễn Bính đã ngả bóng mình xuống đó cách đây nửa thế kỷ…”. Đó là cách nói vui của nhà thơ thần đồng. Nhưng chúng ta đều cảm thấy ngày nay đang mai một dần đi cái cảm thức nhà quê trong văn học. Có lẽ Phạm Công Trứ là số ít người viết đang cố níu kéo lại…
Lời thề cỏ may
Làm sao quên được tuổi thơ
Tuổi vàng, tuổi ngọc – tôi ngờ lời ai
Thuở ấy tôi mới lên mười
Còn em lên bảy, theo tôi cả ngày
Quần em dệt kín bông may
Áo tôi đứt cúc, mực dây tím bầm
Tuổi thơ chân đất đầu trần
Từ trong lấm láp em thầm lớn lên
Bây giờ xinh đẹp là em
Em ra thành phố dần quên một thời
Về quê ăn Tết vừa rồi
Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò
Gặp tôi, em hỏi hững hờ
“Anh chưa lấy vợ, còn chờ đợi ai?”
Em đi để lại chuỗi cười
Trong tôi vỡ … một khoảng trời pha lê
Trăng vàng đêm ấy, bờ đê
Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may…
Nguồn: “Lời thề cỏ may (I)” 1990
Vũ Xuân Thu
Thật đúng như lời nói vui của Trần Đăng Khoa. Đọc kỹ bài thơ Lời thề Cỏ May của Phạm Công Trứ ta thấy đâu đây phảng phất cái hương chanh hương bưởi, cái yếm lụa sồi của cô gái chân quê của Nguyễn Bính. Nam Định mình “Đất học, Đất văn” quả không sai.
Trần Quốc Khải
Tôi thích nhất hai câu thơ của nhà thơ Phạm Công Trứ trong ” Lời thề cỏ may”…Tích tịch tình tang, tích tịch tình tang. Người đi kiếm cái giầu sang, ta về gảy khúc trăng vàng ngõ quê…
Đinh Hải Đăng
“Tình tôi một đống rơm chiêm
Em đùa xòe một que diêm ném vào
Bén rơm lửa bốc ào ào
Chút tro còn lại gió trao cho trời
Giận thân những muốn chửi đời
Đến khi ngửa mặt lên rồi lại im”.