Sắp tới ngày Giải phóng thành phố Nam Định. Xin giới thiệu bài của ông Trần Ban.(Như 1 đoạn hồi ký của đứa trẻ của thời điểm lịch sử: cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 1954)
Ký ức tuổi thơ: Thành Nam ngày giải phóng 1/7/1954.
Thành phố Nam Định càng gần ngày quân Pháp rút càng tỏ ra náo loạn. Sự náo loạn không phải từ dân chúng. Dân quê tôi vẫn cần mẫn làm ăn. Phố Bến Thóc, bến Đò quan vẫn tấp nập trên bến dưới thuyền. Sự náo loạn tôi nhận diện bằng những trận ẩu đả gia tăng giữa lính Com măng đô người Việt với lính Pháp gốc Phi ngay trên đường phố. Có lần tôi nhìn thấy ông đạp xích lô dấu con dao nhọn dưới bạt xe. Ông nói rằng: Để đề phòng bọn tây say ăn quỵt ko chịu trả tiền. Thỉnh thoảng xuất hiện một đoàn xe con cóc (Xe bánh xích lội nước) ầm ầm chạy qua cửa nhà tôi để vượt qua sông Đào. Trên xe tôi nhìn rõ viên sỹ quan Pháp vai đeo gù kim tuyến,đứng oai vệ. Họ đi qua và tung xuống 2 hè đường các loại bánh kẹo. Trẻ con thích thú chạy ùa ra nhặt, trong đó có tôi.
Mùa hè 1954, trước khi người Pháp rút, tôi nghe rõ tiếng bom, đạn nổ ở mạn sông phía Sở Dàu. Có tiếng máy bay ầm ì trên đầu. Một lúc sau tôi nhìn thấy vài chiếc xích lô chở người bị thương bê bết máu đi về phía Bệnh viện ở khu nhà tôn mà sau này gọi là Quảng trường Lao động. Nhà máy, công sở đều ngừng hoạt động. Rất nhiều người dân trong đó có bố và anh cả tôi chạy xông vào những nơi mà người Pháp bỏ đi để hôi của. Của cải ở đây là những bộ bàn ghế cũ, những tấm tôn lợp, đồ dùng sinh hoạt bình dân…
Chỉ 2 hôm sau không khí tự do tràn về Thành phố. Các chú bộ đội không biết từ hướng nào, hàng ngũ chỉnh tề diễu qua các phố. Người dân đứng chặt hai bên đường, đứng cả trên tầng hai nhà mình hớn hở vẫy chào. Từ hôm đó mấy ngày liền, dân Thành Nam sống tràn đầy trong không khí lễ hội. Rất nhiều thanh niên mặc quần âu, áo trắng, thắt cà vạt đứng thành tốp tay ôm đàn ghi ta. Nữ mặc áo dài thanh lịch. Mọi người cùng hát mừng ngày giải phóng. Anh cả tôi cũng ôm đàn, nhập vào nhóm mấy anh con cụ Lang Lầm, Lang Hanh…
Từ đây ko còn cảnh đánh nhau ghê người trên đường phố. Ko còn nữa cảnh mấy ông tây say xông vào nhà chứa ở 62 Bến Thóc, làm các cô phải nhảy lầu từ tầng 2 xuống đường trốn chạy. Cũng ko phải chịu cảnh thiết quân luật, mọi người dân sống yên bình hơn. Mặt khác ko khí buôn bán trên bến dưới thuyền cũng giảm hẳn. Sau năm 1954 phố tôi có rất nhiều nhà bỏ trống, họ đã di cư vào miền Nam…
Tác giả: Trần Ban
