Có một Châu Âu ngay gần Hà Nội
Nói ra thì ngại, mình là dân Nam Định mà lại mù tịt về những điểm đến đẹp quê nhà. Ngoài thành phố nơi mình sinh sống còn thạo tí chút, ở các huyện là mình chịu hẳn. Cũng phải thôi, bé thì lo học, lớn thêm chút thì đi đại học, về quê làm hơn một năm thì chỉ nhong nhóng chuyển về Thủ đô, thế nên nói ở huyện thì mình biết nhõn Quất Lâm, mà tai tiếng lại nhiều hơn nổi tiếng, 🙂 🙂 🙂

Sau này khi có dịp đi du lịch cũng chỉ thiên về những địa danh nổi tiếng hoặc chưa từng đặt chân đến để khám phá, trải nghiệm chứ chưa từng nghĩ đến việc quay lại tìm hiểu quê nhà. Thật là sai lầm!
Mấy năm trước vô tình lướt facebook thấy có bạn review các nhà thờ ở Nam Định đẹp lộng lẫy, mới chợt nhận ra mình đã bỏ qua cơ hội khám phá những địa điểm đẹp nổi tiếng quê hương. Thế là lên kế hoạch nhất định phải có dịp về Nam Định, đi bằng xe máy cho cơ động, phóng thẳng xuống miền ven biển để tham quan các nhà thờ đẹp tuyệt kia.
Trước đấy, cũng nhờ group “Nam Định đất và người” mà mình biết có stayhome Ecohost với những dịch vụ du lịch văn hoá địa phương, chỗ ăn nghỉ vừa đẹp vừa đậm đặc không gian truyền thống mà vẫn đảm bảo tiện nghi. Tuy nhiên lúc gọi thì chủ nhà báo hết phòng, du khách đã đặt kín từ đầu tuần. Thế là bọn mình quyết định cứ đi, đến nơi sẽ tìm chỗ nghỉ sau, tiện đâu ở đấy, càng gần biển càng tốt.

Do có sự kiện nên gần 15h chiều mình mới khởi hành, mất hơn 30 phút mới ra được khỏi nội thành Hà Nội, từ đó con xe ghẻ của hai phượt thủ thẳng tiến về bãi biển Thịnh Long.
Khoảng 18h tới nơi, cả dãy khách sạn chạy dọc bờ biển vắng hoe, tối om, nhà nghỉ dưỡng của Bộ mình vốn định ghé vào cửa đóng then cài, mãi mới thấy một khách sạn khá khang trang đèn sáng.

Lễ tân là bác già tầm hơn 50 chân chất, da sạm đen nắng gió, giọng đặc sệt miền biển Hải Hậu, bác nhanh nhẹn bố trí phòng ngay tầng 2 view biển giá chỉ 400k. Giá bình dân nhưng phòng khá đàng hoàng, 2 giường đôi to tướng, tivi, tủ lạnh, nóng lạnh, ấm nước, sấy tóc,…đầy đủ cả.

Bác nhiệt tình chỉ quán ăn Tuấn Bình to nhất thị trấn, giới thiệu quán đông, ăn ngon, giá cả phù hợp, đầy đủ dịch vụ từ ăn uống, hát Karaoke cho đến cà phê giải khát. Quả tình ngon và rẻ, hai đứa tẩn từ nem thính đến mực trứng hấp, canh ngao mùng tơi, đến khi nhà hàng mang con cua gạch gần 1kg ngồi kín cả đĩa thì chịu hẳn, ăn được cái càng và chấm mút ít thịt rồi ngồi xé thịt, bóc gạch bỏ hộp mang về. Sáng hôm sau ra quán gọi 2 bát mỳ tôm không người lái rồi thả số cua và mực thừa vào, chủ quán nhiệt tình bo thêm rau muống, rau bí, thế là được bữa ăn sáng chất lượng, hết có 40k.

Ngồi ăn sáng bên mấy cụ cao niên tụ bạ khề khà đĩa lòng, chén rượu, trò chuyện vui vẻ lắm, địt bọp liên mồm, đúng là chuẩn đặc sản Nam Định, hihi. Ngay bên cạnh chỗ mình ngồi ăn là một nhà thờ rất đẹp, một cụ nhiệt tình giới thiệu Nhà thờ Mỹ Giáo. Hỏi thị trấn Thịnh Long có mấy nhà thờ, các cụ hớn hở khoe sơ sơ có bảy cái, Phú Hoá, Thịnh Long, Trung Châu, Phú Mỹ, Mỹ Giáo, Văn Đình, Phú Nhuận.
Nhờ sự tận tình giải thích của người dân, mình mới biết Giáo xứ là nơi trung tâm của một vùng, sau đó là các nhà thờ của từng giáo họ. Chả gì vừa vào thăm nhà thờ Thịnh Long, quay ra lại thấy Giáo xứ Thịnh Long.

Dân ở Hải Hậu giàu thật, biệt thự, nhà tầng san sát, quy hoạch đâu ra đấy, đường sạch bóng không bụi bặm, những dãy phố chạy dọc hai bên kênh vừa thoáng mát vừa hữu tình, và nhà thờ cũng cực kỳ lộng lẫy. Điều khiến mình thoải mái nhất khi thăm chuỗi nhà thờ hôm nay là cánh cổng luôn rộng mở, du khách tha hồ thăm thú khắp nơi mà chả ai hỏi. Mình lang thang trong thánh đường lộng lẫy, mái vòm cao vút, lóng lánh ánh vàng, các ô tranh kính màu kỳ ảo, những dãy ghế gỗ thẳng tắp trang nghiêm. Thậm chí lại gần cả ô buồng có vẻ là nơi xưng tội. Mình trèo lên tận nóc, ngó nghiêng tháp chuông và nhìn ra bốn xung quanh. Xa xa, nhiều tháp chuông, mái vòm của các nhà thờ trong vùng nhô cao lên như mời gọi giáo dân đến chốn linh thiêng gửi gắm niềm tin.

Giáo xứ Thịnh Long là một nhà thờ hoàn toàn làm bằng đá xám chạm trổ tinh xảo. Riêng dãy tượng các thánh, thiên sứ tạc bằng đá cẩm thạch trắng, đẹp mê hồn.
Hải Hậu đúng là vùng đất giáo dân, cơ man nào là nhà thờ, nói không ngoa, đi đường cứ giơ điện thoại quay bất cứ phía nào đều thấy hình bóng một nhà thờ đâu đó. Mỗi công trình một vẻ đẹp khác nhau, không cái nào giống cái nào. Nhưng đều tinh xảo, lộng lẫy và mang vẻ đặc biệt riêng.
Mình ghé thăm nhà thờ Phương Chính, đây là điểm nhiều cặp đôi đến chụp ảnh cưới, vẻ đẹp cổ điển với những hoa văn gotic cầu kỳ, đặc biệt cầu thang hai bên uốn lượn mềm mại là bối cảnh cực đẹp và thiêng liêng cho những đôi trai gái đang mong mỏi nên duyên vợ chồng.

Háo hức check in Nhà thờ đổ, xe bọn mình bon bon vượt trưa nắng sang xã Hải Lý. Khác với trí tưởng tượng về một nhà thờ đổ nát hoang vắng nơi bãi biển, nơi đây đã được dân địa phương tranh thủ dựng một loạt dịch vụ ăn theo phục vụ du khách tò mò ghé thăm tàn tích tôn giáo vốn có tên rất đẹp: Trái tim của Chúa.
Thật ra, vị trí ban đầu của nó ở tít ngoài khơi xa cách nơi này 3km, do sự xâm thực dữ dội của biển cả, nhà thờ được di dời lần thứ nhất vào phía trong bờ. Đến năm 1917 tiếp tục di dời lần hai và năm 2005 với sự tàn phá của cơn bão số 7 xoá sạch làng chài, nhà thờ được di dời lần thứ ba. Tàn tích còn lại chỉ là tháp chuông đổ nát, vậy mà có sức hấp dẫn lạ kỳ. Du khách về Hải Hậu đều cố gắng một lần ghé thăm Nhà thờ đổ, dẫu chỉ là check in chụp một bức ảnh kỷ niệm.
Cách Nhà thờ đổ 600 mét là nhà thờ Xương Điền to đẹp, hoành tráng, đặc biệt các ô cửa sổ cong cong tinh xảo đầy ấn tượng. Chiều chủ nhật, khắp các nhà thờ đều có các em nhỏ đến học giáo lý. Đi đường, chỉ cần nhìn các bóng áo trắng quàng khăn xanh là biết các em đang đến nhà thờ. Mình ngồi với đám nhóc hỏi các con học lớp mấy, thay vì trả lời lớp 3 hay 4 thì chúng trả lời đang học khoá mấy của giáo lý. Hoá ra trong suy nghĩ của đám trẻ mộ đạo này chỉ quan tâm duy nhất đến những bài học thiêng liêng nơi nhà thờ đang giảng giải, dạy dỗ.
Rời nhà thờ Xương Điền, mình sang xã Hải Anh thăm Chùa Lương, cầu Ngói. Ngôi chùa có kiến trúc rất cổ, hai dãy hành lang dài, nơi thờ phật ở giữa nhưng lại để trống hai bên. Nắng rọi từ trên cao đổ xuống khiến không khí bớt âm u, cô tịch. Men theo cầu thang gạch nhỏ xíu dẫn lên mái, mình ngắm cảnh trí của chùa cũng như bốn xung quanh. Lạ lùng khi ngay trước mặt chùa là chợ Lương cũng là một chợ cổ với các dãy nhà có kiến trúc khá tương đồng với nhà chùa, tạo nên một quần thể đồng nhất mặc dù ý nghĩa khác hẳn nhau, rất đời và rất đạo.
Cách chùa Lương hơn 100 mét là cầu Ngói, một công trình độc đáo 500 năm, mặc cho thời gian trôi qua đến 5 thế kỉ, cây cầu độc đáo vẫn vững chãi, vẹn nguyên. Thật lòng, cá nhân mình đánh giá còn đẹp hơn chùa Cầu ở Hội An. Mình thích sự thâm trầm, giản dị của cầu Lương hơn sự màu mè, ồn ã kia.

Vội vã trở lại thành phố thăm bà bác ruột, đi qua cây cầu Vô Tình mình bất giác nhớ tới bài thơ của bạn Tống Lam Hồng bên lớp chuyên Văn ngày ấy:
Chuyện rằng bữa ấy hội Xuân
Trai thanh, gái lịch chen chân bên cầu
Trai làng qua đó đùa nhau
Đố ai xin được miếng trầu làm tin
Trời ơi, sao nỡ vô tình
Kẻ trêu gặp chính em mình, đớn đau
Nàng gieo mình dưới dòng sâu
Để lời nhắn nhủ cho nhau muôn đời
Tên cầu từ đó, người ơi
Xin đừng, chỉ một lần thôi, vô tình.
Chả hiểu sao bài thơ trên báo tường ngày ấy, mình đọc mỗi một lần mà nhớ lạ lùng.

Nam Định quê mình thật đẹp. Lịch sử lâu đời khiến quê hương có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều điển tích hấp dẫn. Đồ ăn lại vừa rẻ, vừa ngon. Vậy mà tại sao du lịch chưa phát triển? Đến mình, một đứa con Nam Định, vô cùng ham thích du lịch, tìm hiểu, mà đến tận hôm nay mới có dịp khám phá những điểm đến đẹp của quê hương.
Mình chợt so sánh với tour du lịch miền Tây, phải bay vào tận Sài Gòn, Cần Thơ, phải di chuyển mải miết đến mãi Sóc Trăng, Bạc Liêu,…để ngắm các chùa chiền, vốn cũng là “đặc sản” vùng đất này. Di chuyển thì vất vả, đồ ăn cũng không quá đặc sắc, vậy mà thu hút bao nhiêu khách du lịch. Nam Định cách Hà Nội có hơn trăm cây số, đường đi toàn cao tốc, nuột nà, phẳng lì. Đồ ăn lại ngon vô đối, rẻ vô chừng, con người hiền hoà, thân thiện, chân chất, sao chưa bật lên tiềm năng du lịch nhỉ?

Lần này mình đi xe máy, lại khởi hành muộn, còn nhiều điểm chưa kịp ghé thăm như Vương cung Thánh đường Phú Nhai, nhà thờ Phạm Pháo, Kiên Lao; chưa ghé làng kèn đồng Hải Minh,… Chưa kịp vào thành phố thăm đền Trần, tượng đài Trần Hưng Đạo, chưa trở lại chùa Cả, chùa Vọng Cung,… Chưa về chốn cũ ăn bánh mỳ pate bà Nâu, phở Tặng, mua xíu páo, bánh cuốn làng Kênh,… Chỉ kịp mua vội gói bánh nhãn làm quà cho con gái. Bao nhiêu là món ngon, bao nhiêu là cảnh đẹp mình chưa kịp thưởng thức. Hẹn lần gần nhất quay lại và có thêm những người đồng hành.

Ngày nghỉ bạn đi đâu? Nếu kỳ nghỉ ngắn, kinh phí chưa nhiều, còn chần chờ gì mà không về Nam Định quê tớ nhỉ? Đảm bảo bạn sẽ có chuyến đi tuyệt vời, không hối tiếc!
Welcome and see you soon!






