Thứ Tư, Tháng 4 30, 2025
HomeUncategorizedBUỔI SÁNG Ở MỘT LÀNG QUÊ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ - Tác...

BUỔI SÁNG Ở MỘT LÀNG QUÊ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ – Tác giả: Phạm Tuấn

BUỔI SÁNG Ở MỘT LÀNG QUÊ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
Làng – xã ngày nay, là nơi mọi người sinh ra, lớn lên ở đó và đi làm ăn nơi xa. Người ra đi- rời quê, có nhiều lý do khác nhau, có những nỗi niềm ứa nước mắt: “Ở quê đất chật, làm nông/ Người đông, ruộng ít trông mong nỗi gì!”. Người ta chấp nhận xa quê, làm mọi việc, tìm con đường sống ổn định, phát triển cho mình và hỗ trợ gia đình. Để rồi khi về già, lúc qua đời, họ luôn mong muốn được con cháu chôn ở chính quê hương mình (nghĩa địa của dòng họ hoặc của thôn có từ ngày xưa).


Ngoại trừ những hoàn cảnh đặc biệt, họ không bao giờ muốn rời bỏ làng mình để đi nơi khác. Vì thế, ngay cả khi phải rời làng ra đi thì trong tâm trí họ vẫn luôn nhớ về làng và mong muốn được trở về làng. Trở về với những hình ảnh thân thương, ăn sâu vào tâm trí của mỗi người ở các làng quê Việt ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ là cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, ao làng, …


Một trong những hình ảnh gần gũi, thân thương và ăn sâu vào trí nhớ của mỗi người dân ở quê từ thời còn nhỏ cho tới lúc về già là hình ảnh những cái ao làng. Từ xưa, ở vùng làng quê vùng châu thổ Bắc Bộ có câu “còn ao rau muống, còn đầy chum tương” nói lên một cuộc sống thanh đạm mà ung dung trong cảnh thanh bần.


Ao làng cũng là nơi có nhiều hoạt động náo nhiệt của ngày trước, nhất là dịp giáp tết Nguyên Đán. Người ta tát cạn ao và chia từng phần cá cho nhau. Có những người vớt từ dưới ao lên những cây gỗ xoan, những cây tre ngâm nhiều năm trong bùn (chống mối mọt) lên để chuẩn bị sửa nhà hoặc làm nhà mới cho con ra ở riêng. Nhiều gia đình chung nhau một con lợn và mổ ngay bên bờ ao, chia thịt, luộc lòng, người ta rửa lá dong để gói bánh chưng,… thật nhộn nhịp.


Ao làng cũng là nơi người dân rửa cày, bừa, cuốc, liềm, gầu tát nước, quang gánh khi đi làm ngoài đồng về. Ao cũng là nơi rửa rau, giặt giũ áo quần, chăn chiếu, … và cũng là nơi thăm hỏi, gặp gỡ giao lưu và thông tin giữa các thành viên trong làng. Ngoài ra, ao cũng là nơi hẹn hò, gặp gỡ của các chàng trai và cô gái trong làng vào những buổi chiều tối, những đêm trăng hoặc những buổi sáng sớm. Ao còn gắn liền với nhiều kỉ niệm thời ấu thơ khó quên: “Những ngày trốn học/ Đuổi bướm cầu ao …”
(Quê hương, Giang Nam).

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments