Thứ Tư, Tháng 4 30, 2025
HomeĐất Nam ĐịnhPhố Cổ Thành NamKẾ HOẠCH MỞ RỘNG THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH NHỮNG NĂM CUỐI THỜI...

KẾ HOẠCH MỞ RỘNG THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH NHỮNG NĂM CUỐI THỜI PHÁP THUỘC (1943 – 1944)

Nam Định là một trong những thành phố lớn của Đông Dương với 60.000 dân. Tính ở phạm vi toàn tỉnh, nếu như năm 1926 có khoảng 975.000 người, thì đến năm 1941, con số này đã lên tới 1.450.000. Sự tăng trưởng này phù hợp với quá trình phát triển đô thị. Nguồn nhân công dồi dào cùng với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên các trục đường thủy lớn trong vùng châu thổ sông Hồng, chính là cơ sở để hình thành nên một số ngành kỹ nghệ lớn như dệt may và các ngành khác. Nhờ đó mà Nam Định trở nên giàu có, sung túc. Tuy nhiên, tiếng ồn đến từ các xưởng dệt hiện đang ảnh hưởng đến các ngành nghề khác và sinh hoạt của dân cư.

Khu vực trung tâm thành phố Nam Định, ảnh chụp từ máy bay năm 1950

Sơ đồ tổng thể của thành phố có dạng hình thoi dẹt bởi 1 bên là khu phố An Nam phát triển theo hình vòng cung của con sông cũ, một bên là thành cổ đã bị san bằng để xây dựng khu hành chính. Sông Nam Định ở phía Nam, các vùng trũng và đê bao ở phía Bắc cản trở quá trình mở rộng. Nhà xưởng của Công ty Bông sợi, cùng khu trại lính và đường sắt ở phía Tây cũng khiến cho việc mở rộng thành phố về hướng này trở nên khó khăn. Những kế hoạch chỉnh trang đô thị buộc phải tính đến các yếu tố đó. Khu thương mại kiểu Âu được mở rộng theo tuyến đường chính Bắc – Nam là đại lộ Paul Bert (1), và đại lộ Clémenceau (2), trục Đông – Tây nối nhà ga với khu vực trung tâm và các khu dân cư. “Khu thương mại châu Âu xung quanh quảng trường hiện tại (3) sẽ được mở rộng đáng kể”, theo văn bản phê duyệt đề án.

Hội chợ tổ chức xung quanh chợ Rồng năm 1934, ảnh chụp trên phố Trần Đăng Ninh phía trước UBND TP ngày nay

Những khu dân cư mới sẽ được quy hoạch ở phía Đông, đằng sau khu thương mại An Nam (4). Trước tiên, xung quanh một công viên có hồ lớn giống như hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội (5), là khu biệt thự kiểu châu Âu, sau đó là các khu dành cho các tầng lớp xã hội có thu nhập thấp hơn.

Thành phố Nam Định đã được xây dựng không theo một thiết kế tổng thể: không chỉ toàn bộ các tuyến đường bị ảnh hưởng mà các khu công thự cũng được dựng lên một cách tùy tiện, rải rác và không có trật tự. Theo kế hoạch, các khu công thự sẽ được tập hợp lại, có không gian và chức năng riêng. Ở trung tâm thành phố, Tòa Thị chính mới sẽ thay thế Tòa Đốc lý vốn đã quá chật hẹp, tập trung tất cả các công sở của thành phố. Thực tế là, những công sở này đang nằm rải rác và được bố trí trong nhiều tòa nhà, chiếm một phần lớn diện tích đất đai, gây khó khăn trong công việc và khiến dư luận bức xúc. Thời điểm này, trụ sở Tòa án (6) cũng đã xuống cấp, hư hỏng. 

Khu phố cổ Nam Định khoảng năm 1923 – 1925

Khu chợ trung tâm (7) tuy đã được đặt tại một vị trí đẹp nhưng vẫn quá chật chội, sẽ được mở rộng thêm nhưng vẫn ở vị trí đó. Văn bản phê duyệt đề án năm 1944 ghi rõ “mở rộng khu chợ trung tâm với việc xây dựng hai  mới ở phía Bắc (về phía Quang Trung) và phía Nam (về phía Trần Quốc Toản) của hai dãy chợ hiện tại, thực hiện bằng cách giải phóng mặt bằng của các khu nhà dân lân cận”.

Cuối phía Bắc thành phố, theo trục đại lộ Paul Bert, một đài tưởng niệm lớn được dự kiến sẽ xây dựng tại điểm giao nhau giữa các tuyến đường đi Hà Nội, Thái Bình và Hưng Yên (8). Vị trí này cũng sẽ được dùng để mở một bến xe, phục vụ lượng lớn xe khách từ Nam Định tỏa đi các tỉnh đông dân khác của vùng châu thổ sông Hồng.

Các công trình quân sự vốn đang rất chật chội (9) có thể được mở rộng về phía Bắc và phía Tây. Ở phía bên kia nhà ga, tại vị trí sân bay cũ (10), người ta đang xây dựng một khu tổ hợp thể thao được cho là lớn nhất Đông Dương tính đến thời điểm này. Tổ hợp bao gồm một bể bơi lớn vừa mới hoàn thành, sân thi đấu, sân tennis, sân dành riêng cho môn điền kinh, bóng đá v.v…

Các nghĩa trang hiện đang phân tán ở khắp mọi nơi trong thành phố sẽ được quy tập về một nghĩa trang lớn trên đường đi Ninh Bình, tại khu vực có nhiều hố lớn mà trước kia là nơi đào lấy đất, phù hợp với sự yên tĩnh cần thiết.

Khu thương mại An Nam (4) cũng được mở rộng. Nhưng một trong những điểm đặc biệt của kế hoạch này đó là việc bảo tồn, như một phần của thành phố, nét truyền thống của những ngôi nhà và một số tuyến phố, khi đang có những sự sao chép bừa bãi “phong cách hiện đại” thiếu thẩm mỹ ở những ngôi nhà mới được xây dựng gần đây. Đội ngũ thợ thủ công tập trung định cư tại khu phố này. Do vậy, những yếu tố truyền thống, các nghề thủ công và phong cách kiến trúc bản địa đều cần được bảo tồn.

Tại một thành phố công nghiệp như Nam Định, các nhà quy hoạch đô thị cần quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân. Ở những khu dành riêng cho mục đích này, đất và các công trình xây phải có giá thành rẻ. Ở phía Tây thành phố, Công ty Bông sợi đã tiến hành xây dựng một khu nhà dành cho công nhân và sắp được hoàn thiện. Những cải tiến cần thiết, việc thiết lập các dịch vụ xã hội, sẽ diễn ra ở các khu nhà này.

Khu vực bến Đò Quan và đường ray nối Ga NĐ – Đò Chè, nay là đường Trần Nhân Tông

Ngay từ bây giờ, Nam Định có lẽ là thành phố đứng đầu các ở Bắc Kỳ trên bình diện xã hội và các phong trào thanh niên.

***

Chỉ một phần nhỏ của bản kế hoạch này đã và đang được triển khai vào thời điểm ấy, còn lại phần lớn không thể thực hiện được do chính quyền thực dân Pháp bị ảnh hưởng bởi Chiến tranh thế giới thứ hai và đến tháng 3/1945 thì bị Nhật hất cẳng khỏi Nam Định, tháng 8/1945 ta giành độc lập và sau đó là giai đoạn chiến tranh kéo dài 9 năm khiến cho nhiều nơi trong thành phố bị hư hại. Do đó đến những năm 1950s – 60s thì khu vực hồ Vị Xuyên và những khu vực được nhắc đến trong đề án vẫn chưa được quy hoạch hoàn toàn. Nhưng những tư liệu này cũng phần nào giúp hình dung được một thành phố Nam Định mang đậm phong cách phương Tây trong những định hướng mở rộng của chính quyền Pháp.

– TÂM MINH biên tập –

(Theo tuần báo Đông Dương năm 1943 và văn bản phê duyệt đề án mở rộng thành phố Nam Định năm 1944)

—————————————

Chú thích:

(1) nay là đường Trần Hưng Đạo

(2) nay là đường Trần Phú

(3) nay là đài Liệt sĩ

(4) khu phố cổ ngày nay

(5) nay là hồ Vị Xuyên

(6) ở phía sau Đài Liệt sĩ ngày nay, góc chợ hoa đêm

(7) chợ Rồng

(8) dốc Lò Trâu

(9) khu ngã 6 Năng Tĩnh

(10) khu Trường Thi

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments